Thứ 2 ngày 07 tháng 01 năm 2019Lượt xem: 16597
Kẻ giết người thầm lặng mang tên... thuốc bắc.
ANTĐ: Nhiều người vẫn nghĩ thuốc Bắc là quý, không bổ chỗ này cũng bổ chỗ khác, không gây hại, không tác dụng phụ. Tuy nhiên theo thống kê có đến 80% thuốc Bắc tại Việt Nam được nhập lậu từ Trung Quốc, trong đó có nhiều loại khi kiểm nghiệm có thuốc trừ sâu, thạch tín, lưu huỳnh vượt mức cho phép. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện có không ít loại dược liệu nhập khẩu đã bị chiết xuất hút hết hàm lượng tinh chất chỉ còn là… củi rác.
Chết vì thuốc đông y
Đến giờ, trong ngành đông y vẫn không thể quên được câu chuyện đau lòng xảy ra ở cửa hàng đông y tại xã Chí Công, Tuy Phong, Bình Thuận. Đó là trường hợp của một lương y sau khi bốc thuốc cho một bệnh nhân ở cùng xã vào cuối tháng 5-2013, bệnh nhân này đã ngộ độc đến nỗi nôn thốc tháo, co giật toàn thân... phải đi cấp cứu bệnh viện, để chứng minh nguyên nhân ngộ độc không phải do thuốc của mình, lương y đã uống chính một trong những thang thuốc ấy. Nào ngờ, vị lương y này không những bị ngộ độc mà còn tử vong.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu từ 10-15 ca ngộ độc rượu ngâm thuốc Bắc, chưa kể đến các trường hợp ngộ độc do uống nước sắc trực tiếp từ loại thuốc có nguồn gốc thảo dược này. Cụ thể một nam bệnh nhân, 47 tuổi ở Hải Phòng đã uống thuốc Bắc để điều trị bệnh khớp với mục đích “cho lành”. Thế nhưng “lành” đâu chẳng thấy lại thấy “dữ” khi sau một thời gian sử dụng thuốc, bệnh nhân bị suy gan, thận nặng dẫn đến tử vong, mặc dù đã được các bác sĩ khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tích cực lọc máu bằng cách chạy thận.
Một bệnh nhân khác ở Ninh Bình bốc thuốc Bắc để điều trị vô sinh. Tuy nhiên khi uống được 10 ngày chị thấy toàn thân đau nhức, đau bụng, cảm giác trống ngực. Không yên tâm với biểu hiện này, chị đến Trung tâm Chống độc thì các bác sĩ ở đây xác định: bị ngộ độc chì với nồng độ gần 60mcg/dL. Nguyên nhân cũng lại do uống thuốc Bắc. Ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết: “Thuốc đông y Việt Nam thật thường không đáng lo, vì lợi nhuận thấp, số lượng không đáng bao nhiêu nên không có các cách “làm trò” nguy hiểm. Nhưng với thuốc Trung Quốc thì cần phải cảnh giác”. Theo ông Hướng, sở dĩ cần cảnh giác với thuốc đông y Trung Quốc là vì họ thường trộn lẫn tân dược với đông dược gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm. Ngoài ra, thuốc đông y của Trung Quốc thường có tồn dư chất bảo vệ thực vật cao và chứa hàm lượng kim loại nặng rất lớn, dễ dàng gây ra các loại bệnh mãn tính nguy hiểm cho người dùng (như gan, thận, tim mạch,...)
Tuy nhiên theo thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm cả nước tiêu thụ tới hơn 50.000 tấn dược liệu, trong đó dược liệu trong nước chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20%, số còn lại thường được nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch chiếm tới 80%, khiến việc quản lý chất lượng gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều lần kiểm nghiệm, cơ quan chức năng còn phát hiện có không ít loại dược liệu nhập khẩu đã bị chiết xuất hút hết hàm lượng tinh chất chỉ còn là… củi rác.
Giật mình với thuốc Bắc độc hại
Cuối năm 2009, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã tiến hành lấy mẫu nhiều sản phẩm thuốc đông y trên thị trường, tập trung vào 2 sản phẩm dược liệu chính là hồng hoa và chi tử. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy trong số 57 mẫu chi tử được kiểm nghiệm có đến 27 mẫu (chiếm hơn 50%) có chứa chất phẩm màu rhodamine B, với các hàm lượng khác nhau. Rhodamine B là hóa chất nhuộm màu phát quang, có khả năng gây độc cấp tính tới hệ thần kinh, gây độc trên da, thậm chí có thể gây ung thư.
Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương cũng từng lấy gần 400 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm và kết quả có tới 60% trong số đó chưa đạt chất lượng. Thậm chí, có 20% số thuốc bị trộn cát, xi măng, tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại. Trong khi đó, theo Tổ chức Hòa bình xanh (Green Peace), qua thử xét nghiệm 65 loại dược liệu phổ biến của Trung Quốc thì có đến 50 loại dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu. Kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đối với nguyên liệu thuốc bắc được nhập lậu thì trong số 49 mẫu có 15 mẫu có hàm lượng lưu huỳnh, asen (thạch tín) vượt quá chỉ số cho phép nhiều lần. Thật nguy hiểm nếu những người mang bệnh lại uống phải loại thuốc độc này. Chữa bệnh mà bệnh lại nặng hơn, thậm chí là chết người. Có thể những độc tố này không gây tử vong ngay nhưng sẽ các chất độc ngấm vào người bệnh thì cũng chẳng khác nào “kẻ giết người thầm lặng”.
Kinh hoàng sấy thuốc bằng lưu huỳnh
Lâu nay, trong bào chế đông dược, xông lưu huỳnh là biện pháp chủ yếu để phòng chống mốc, tạo màu sáng đẹp cho dược liệu. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận đã lợi dụng việc xông lưu huỳnh với hàm lượng vượt quá quy định cho phép, bất chấp tác hại của nó đối với người tiêu dùng. Theo các nhà chuyên môn, bảo quản bằng lưu huỳnh là rất nguy hiểm bởi đông dược là là những vị thuốc làm từ rễ, thân, lá, cây cỏ và từ da, xác động vật... dễ hút ẩm nên đây là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình xông, lưu huỳnh sẽ lưu lại trên thuốc, có khả năng gây ung thư nếu tồn dư một lượng đáng kể trong cơ thể. Khi bị dị ứng với lưu huỳnh, ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể có các biểu hiện như đau đầu, khó thở, ngạt mũi… Còn ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị tử vong, nhất là ở những người mắc bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính.
Xử phạt chưa đủ sức răn đe
Liên tục trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã bắt giữ, tiêu hủy hàng trăm tấn dược liệu được nhập lậu từ Trung Quốc. Gần đây nhất là ngày 15-8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ CATP Hà Nội (PC46) đã phối hợp với C46 Bộ Công an, Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội và CA huyện Gia Lâm phát hiện và bắt giữ khoảng 70 tấn thuốc Bắc có dấu hiệu gian lận thương mại. Tại thời kiểm tra, cả 3 lái xe không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ gì liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa trên xe. Đại diện chủ hàng là Nguyễn Ngọc Thao (SN 1975, trú tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Thao được thuê để vận chuyển số nguyên liệu này. Cơ quan công an xác định toàn bộ số nguyên liệu thuốc Bắc trên có trọng lượng ước lượng khoảng 70 tấn, được một công ty dược liệu mua từ Trung Quốc.
Thuốc đông y tại Việt Nam từ nhiều năm nay được nhập qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái. Điều đáng nói là phần lớn nguồn nguyên liệu này đều chứa hàm lượng độc tố cao. Hiện nay vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về hàm lượng độc tố cho phép, hóa chất bảo quản… Hầu hết đều xử lý chung chung nên không đủ sức răn đe và phòng ngừa.
Vì vậy để bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên đến các cơ sở uy tín có giấy phép hành nghề, các bệnh viện đông y để được bắt mạch, kê đơn, tránh tự ý mua thuốc ở các cơ sở nhỏ lẻ về điều trị, có thể tiền mất tật mang, ảnh hưởng đến tính mạng. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Y tế cần quyết liệt hơn trong việc nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu cho ngành hàng đông y dược để tạo điều kiện cho cơ quan Hải quan thực hiện chức năng kiểm soát nhập khẩu. Các chế tài xử phạt đối với các cá nhân, đơn vị nhập lậu, dùng hóa chất độc hại cần được tăng nặng để nâng cao sức răn đe, phòng ngừa chung.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.