Truyền nhiễm

Thứ 6 ngày 04 tháng 03 năm 2022Lượt xem: 9118

Chẩn đoán và Điều trị Hậu COVID-19 như thế nào?

 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa kỳ đã đưa ra khái niệm Hậu COVID-19 như sau:

* COVID-19 cấp tính: Các triệu chứng của COVID-19, tính từ thời điểm phát bệnh cho đến 4 tuần sau đó.

* Tình trạng hậu COVID-19: Bao gồm một loạt các triệu chứng (thể chất và tinh thần) phát triển trong hoặc sau COVID-19, tiếp tục kéo dài ≥ 2 tháng (tức là ba tháng kể từ khi khởi phát) và không được giải thích bằng chẩn đoán khác.

Các xét nghiệm cần làm giúp chẩn đoán Hậu COVID-19.

Nhu cầu xét nghiệm ở những bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19 cấp tính được xác định bởi mức độ nghiêm trọng và kết quả xét nghiệm bất thường trong thời gian bệnh cấp tính và các triệu chứng hiện tại của họ. Hầu hết các bệnh nhân có xét nghiệm bất thường tại thời điểm chẩn đoán đều cải thiện trong quá trình hồi phục. Đối với hầu hết bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19 cấp tính nhẹ, không cần xét nghiệm.

Đối với những bệnh nhân đang hồi phục sau bệnh nặng, những bệnh nhân đã xác định được những bất thường, những bệnh nhân đã xuất viện hoặc những người có các triệu chứng tiếp tục không giải thích được, cần làm các xét nghiệm sau:

   * Công thức máu.

   * Sinh hoá máu: điện giải, urê máu và creatinine máu; chức năng gan, albumin.

   * Các xét nghiệm chuyên sâu khác:

      . NT-proBNP, Troponin ở những bệnh nhân có diễn tiến phức tạp do suy tim hoặc viêm cơ tim hoặc những người có các triệu chứng tim có thể do viêm cơ tim (ví dụ: khó thở, tức ngực, phù).

      . D-dimer ở bệnh nhân khó thở dai dẳng hoặc mới khó thở không giải thích được hoặc ở bất kỳ bệnh nhân nào có lo ngại về bệnh huyết khối tắc mạch.

      . Xét nghiệm tuyến giáp ở những người mệt mỏi hoặc suy nhược không rõ nguyên nhân.

      . Creatinine ở những bệnh nhân bị suy nhược hoặc căng cơ.

      . Không theo dõi các thông số đông máu (ví dụ: fibrinogen, các sản phẩm giáng hoá fibrinogen, thời gian thromboplastin hoạt hóa, INR và D-dimer) hoặc các dấu hiệu viêm (ví dụ: tốc độ máu lắng, protein phản ứng C, ferritin, interleukin-6 ).

      . Xét nghiệm COVID-19 và huyết thanh học: không thường xuyên xét nghiệm lại SARS-CoV-2 đang hoạt động tại thời điểm đánh giá bệnh nhân ngoại trú theo dõi.

   * Không cần xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính.

   * Ngoài ra tuỳ vào mức độ nặng mà các bác sĩ sẽ yêu cầu làm điện tim, chụp X.quang phổi, cắt lớp vi tính phổi, siêu âm tim, đo chức năng hô hấp, khí máu động mạch, test đi bộ 6 phút.

 

 

Điều trị Hậu COVID-19 như thế nào?

Về cơ bản, điều trị theo nguyên nhân và các vấn đề tại thời điểm thăm khám:

1. Khó thở.

Là một chiến lược điều trị chung sau COVID-19, cần tìm nguyên nhân cơ bản gây khó thở, thường là do nhiều yếu tố: viêm phổi, viêm phổi tổ chức, suy nhược thần kinh cơ, đợt cấp của bệnh phổi tiềm ẩn, hẹp khí quản do đặt nội khí quản, suy tim... Với bệnh nhân thở khí trời có SpO2 <92% vẫn tiếp tục được hỗ trợ oxy gọng kính, cần khám chuyên khoa hô hấp, phục hồi chức năng hô hấp.

2. Ho.

Ho sau khi mắc COVID-19 cấp được quản lý theo cách tương tự như ho ở bệnh nhân mắc hội chứng ho sau virus khác. Cần loại trừ các nguyên nhân ho khác như viêm dạ dày thực quản trào ngược, cơn hen phế quản, suy tim đợt cấp, viêm phổi mới xuất hiện...

Có thể sử dụng thuốc giảm ho không kê đơn (ví dụ: benzonatate, guaifenesin, dextromethorphan) khi cần thiết. Các liệu pháp xịt, hít, khí dung (ví dụ: thuốc giãn phế quản hoặc glucocorticoid dạng hít) có thể được kê đơn, có thể hữu ích trong một số trường hợp khi nguyên nhân ho là co thắt phế quản. Hạn chế dùng opioid để điều trị ho do những nguy cơ có hại tiềm ẩn và chỉ được sử dụng cho những bệnh nhân bị ho khó chữa, nặng, không thể dung nạp, ảnh hưởng đến giấc ngủ và/ hoặc giảm chất lượng cuộc sống.

3. Cảm giác khó chịu đau, tức, nặng ngực.

Đau ngực do nhồi máu cơ tim, tổn thương cơ tim liên quan đến COVID-19, viêm cơ tim hoặc tắc động mạch phổi cần được đánh giá cấp cứu, nếu nghi ngờ cần nhập viện cấp cứu. Trường hợp đã loại trừ được các tình trạng cấp cứu trên, nếu có hạn chế cơ năng tim, cần tư vấn bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Nếu tức ngực do co thắt phế quản, điều trị bằng thuốc giãn phế quản dạng hít, xịt, khí dung. Khó chịu ngực dai dẳng sau khi phục hồi sau COVID-19 cấp tính có thể giảm chậm. Thường không cần điều trị trừ khi nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đối với các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có thể được sử dụng trong trường hợp không có rối loạn chức năng thận hoặc các chống chỉ định khác như dị ứng, viêm dạ dày tá tràng. Có thể sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất (ví dụ: ibuprofen 400 đến 600 mg uống 8 giờ một lần nếu cần trong một đến hai tuần, lưu ý viêm dạ dày).

4. Rối loạn “thần kinh thực vật” tư thế.

Đối với những bệnh nhân bị rối loạn chức năng thực vật tư thế (ví dụ: nhịp tim nhanh xoang không rõ nguyên nhân, chóng mặt khi đứng) sau COVID-19, có thể dùng tất chun tĩnh mạch, đai đeo bụng, uống đủ nước, vật lý trị liệu và điều chỉnh lối sống.

5. Di chứng thần kinh và nhận thức.

Đối với những bệnh nhân có biến chứng thần kinh của COVID-19 cấp tính (ví dụ: đột quỵ não, động kinh, bệnh não thiếu oxy, suy nhược thần kinh cơ liên quan đến hồi sức tích cực, hội chứng Guillain-Barré, viêm não), cần thăm khám bác sỹ chuyên khoa thần kinh để đánh giá chức năng thần kinh của bệnh nhân. Thông thường, không làm thăm dò hình ảnh thần kinh trừ khi có sự thiếu sót chức năng thần kinh không giải thích được hoặc nghi ngờ tổn thương khu trú hoặc tình trạng khác. Những bệnh nhân có biến chứng thần kinh sau COVID-19 được quản lý theo cách tương tự như với những bệnh nhân khác. Ví dụ: đối với những bệnh nhân bị yếu cơ không rõ nguyên nhân hoặc rối loạn cảm giác, có thể cần làm xét nghiệm điện cơ và các đánh giá dẫn truyền thần kinh cơ.

6. Tăng đông máu/ huyết khối.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 có tình trạng tăng đông máu trong giai đoạn bệnh cấp tính trên xét nghiệm và một số phát triển huyết khối tĩnh mạch, động mạch, đặc biệt là những bệnh nhân phải nằm hồi sức tích cực. Bác sĩ phải tìm tất cả các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi trên và chi dưới, thuyên tắc phổi hoặc huyết khối động mạch (ví dụ: thiếu máu cục bộ đầu chi). Đối với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông, bác sĩ xem xét lại thời gian và chỉ định dùng thuốc chống đông, đánh giá sự phù hợp và an toàn như ở bất kỳ bệnh nhân nào đang dùng thuốc chống đông.

7. Các triệu chứng khứu giác/ thèm ăn.

Đối với những bệnh nhân bị mất hoặc giảm khứu giác hoặc vị giác với COVID-19 cấp tính, bác sĩ sẽ hỏi về mức độ còn lại và cảm giảm ngon miệng hoặc cân nặng của họ có bị ảnh hưởng hay không. Giảm cân có thể gặp với một số bệnh nhân sau khi ốm nặng do nhiều nguyên nhân, mà suy giảm vị giác và khứu giác có thể là một trong những nguyên nhân.

8. Mệt mỏi, giảm sức chịu đựng.

Một số rất ít bệnh nhân mệt mỏi có thể liên quan đến bệnh viêm não tủy đau cơ/ hội chứng mệt mỏi mãn tính.

Khi tư vấn bác sĩ sẽ tìm hiểu tình trạng nào có thể làm nặng tình trạng hoặc gây nên mệt mỏi, bao gồm tình trạng dùng thuốc/ dùng nhiều thuốc cùng lúc, suy nhược, teo cơ, đau, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nội tiết, rối loạn tâm thần và/ hoặc các triệu chứng tim, phổi.

Khuyến khích nghỉ ngơi đầy đủ, vệ sinh giấc ngủ tốt và các chiến lược quản lý mệt mỏi cụ thể, có phương pháp để bảo tồn năng lượng trong công việc và sinh hoạt.

Khuyến khích một chế độ ăn uống lành mạnh và cung cấp đủ nước, vẫn chưa có một chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh là có lợi. Không có đủ bằng chứng chứng minh việc sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng, tác nhân dược lý cụ thể trong điều trị mệt mỏi liên quan đến nhiễm COVID-19.

9. Các vấn đề khác

Tuỳ thuộc vào các tổn thương do COVID-19 gây ra hoặc do biến chứng trong thời kỳ này mà bác sĩ cần làm thăm dò, phối hợp các chuyên khoa. Các vấn đề có thể kể đến như: Thận, gan, nội tiết (đái thoá đường, suy thượng thận), Thiêu hoá/ dinh dưỡng (tiêu chảy, chán ăn, sụt cân…), da liễu (viêm da, loét da, rụng tóc…), các vấn đề tâm lý, rối loạn giấc ngủ, chất lượng cuộc sống, các quan ngại về kinh tế, xã hội của bệnh nhân.

PGS.TS. BS. Hoàng Bùi Hải,

Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19,

Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực,

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.